Xin chúc mừng! Bạn vừa mới được thăng chức vào vị trí quản lý đầu tiên trong sự nghiệp. Bạn sẽ có nghĩa vụ dẫn dắt và thúc đẩy đội ngũ của mình thực hiện những mục tiêu cao cả cho tổ chức. Giờ bạn phải làm gì?
Nếu chưa từng nắm giữ vai trò lãnh đạo trước đây, có thể bạn sẽ cảm thấy “khớp” trước viễn cảnh một nhóm người trông chờ câu trả lời từ bạn. Rất nhiều nhà quản trị nhân sự học tập bằng quá trình thử và sai để biết những gì hiệu quả và không hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn có vài mẹo bạn có thể làm để khiến thời kỳ quá độ này trôi qua mượt mà hơn. Những chuyên gia về quản lý và nhân sự chia sẻ những lời khuyên để thành công trong vai trò một nhà quản lý mới.
1. Hãy tận dụng những điểm mạnh hiện tại để đáp ứng các kỳ vọng
Khi trở thành nhà quản lý, những hoạt động thường nhật và vai trò của bạn trong công ty đương nhiên sẽ thay đổi. Nhiều nhà quản lý mới cảm thấy khó khăn trong việc tận dụng những kỹ năng và điểm mạnh mà họ tích lũy được từ những vị trí trước đây.
“Thay đổi vai trò cũng giống như động tác xoay người trong bóng rổ,” Ashley Goodall Giám đốc Học tập tại công ty tư vấn kinh doanh Deloitte cho biết. “Bạn trụ vào điểm mạnh nhất, và điểm này không thay đổi khi bạn di chuyển. Nhưng những dự tính của bạn thay đổi khi bạn chuyển hướng. Ở vị trí quản lý trong vai trò quản trị nhân sự, bạn sẽ sắp đặt công việc thay vì trực tiếp hoàn thành chúng. Mánh khóe ở đây là phải chú ý đến những kỳ vọng của vai trò mới và tìm ra cách tận dụng điểm mạnh theo nhiều cách khác nhau.”
Goodall khuyên bạn nên nhận diện các những điểm mạnh và lấy đó làm nền tảng để đáp ứng những kỳ vọng, từ đó tiếp tục thăng tiến trong sự nghiệp.
2. Sự minh bạch là mấu chốt
Khi không ở cấp quản lý, có lẽ bạn không được tiếp cận với rất nhiều thông tin về công ty như người sếp của mình. Giờ là một lãnh đạo, bạn sẽ tham gia vào hoạt động xây dựng kế hoạch và chiến lược làm việc, và bạn nên đều đặn thông báo cho đội ngũ của mình biết chuyện gì đang xảy ra trong tổ chức.
“Những người lần đầu tiên làm quản lý thường coi nhẹ sự quan trọng của tính minh bạch,” nhà sáng lập và CEO của công cụ cụ gắn kết nhân viên TINYpulse, David Niu nói. “Quản lý mới thường nắm giữ những thông tin mà nhân viên không thể tiếp cận. Họ xây dựng hình ảnh minh bạch bằng cách chia sẻ những thông tin về ngân sách, phản hồi từ khách hàng và các kế hoạch chiến lược. Sự minh bạch cũng có thể giúp cấp dưới hiểu rõ hơn vai trò của họ trong bức tranh lớn và do đó, cảm thấy gắn kết với công ty và đội ngũ hơn.”
3. Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với đội ngũ
Giáo sư về quản lý và tổ chức tại trường Cao Đẳng Kinh Doanh Ross trực thuộc trường Đại học Michigan, Gretchen Spreitzer nói rằng một trong những sai lầm lớn nhất mà các nhà quản lý mới thiếu kinh nghiệm quản trị nhân sự là không tạo được mối quan hệ tốt với nhân viên.
Những người mới lãnh đạo lần đầu thường tự mặc định chế độ “thành tích,” và luôn quan tâm quá mức đến năng suất của đội ngũ hay ý kiến của cấp trên về đội ngũ của mình. Chế độ này sẽ không có tác dụng nếu như người lãnh đạo không dành thời gian phát triển mối quan hệ với đội ngũ.
“Thay vì tin tưởng và trao quyền cho nhân viên, những người lãnh đạo mới thường quản lý vi mô,” Spreitzer phát biểu trong tờ Business News Daily. “Tất cả những người mới lần đầu ngồi vào vị trí [lãnh đạo] nên làm quen với nhân viên của mình trước khi thiết lập những thay đổi.”
Làm quen với các nhân viên và tìm hiểu thêm không chỉ về công việc mà còn về đời sống riêng của họ là một cách rất tốt để kiến tạo mối quan hệ cần thiết trong công việc. Hãy thường xuyên tổ chức những buổi họp trực tiếp để kiểm tra tình trạng của nhân viên cũng như thiết lập mối quan hệ tốt với họ.
4. Công nhận thành quả của nhân viên
Để xây dựng văn hóa và không khí làm việc tốt, bạn cần phải công nhận thành quả của nhân viên.
“Hãy dành thời gian xây dựng văn hóa công nhận thành quả,” Niu nói. “Thường xuyên công nhận thành bồi dưỡng một môi trường làm việc nhóm tích cực và tạo ra được văn hóa biết ơn. Đừng đợi đến khi có một thành công lớn mới thừa nhận công sức của các thành viên trong đội. Ví dụ, hãy cảm ơn nếu có một nhân viên tình nguyện ở lại dọn dẹp sau một bữa tiệc tại văn phòng.”
5. Chấp nhận phản hồi, nhưng hãy tìm cách riêng để lãnh đạo
Ai cũng sẽ có ý kiến và đưa ra những lời khuyên riêng về phong cách lãnh đạo của bạn. Dù lắng nghe chỉ dẫn của các cố vấn là ý kiến hay, cuối cùng, bạn vẫn phải tự phát triển phong cách lãnh đạo riêng của chính mình.
“Thử thách lớn nhất của tôi là hiểu cái tôi cần để tự phát triển một phong cách lãnh đạo riêng và tạo ra khác biệt cho tổ chức và đội nhóm của tôi thay vì cứ băng khoăn suy nghĩ về những cách tiếp cận khác,” Goodall nói.
“Những quản lý mới nên tự hỏi bản thân, ‘Tại sao ai đó muốn đi theo tôi?’ Đây là một câu hỏi rất dễ bị bỏ qua nhưng tôi nghĩ nó là trọng tâm trong định nghĩa về lãnh đạo. Mọi người đều có câu trả lời khác nhau. Bây giờ là lúc bạn nên bắt đầu nghĩ về phong cách lãnh đạo riêng của mình. Những người lãnh đạo thu hút được nhân viên qua giá trị mà họ tin tưởng và cách thức họ giúp đội ngũ của mình phát triển.”
Sprietzer nói rằng bắt chước phong cách quản trị nhân sự của một người sếp mà bạn quý trọng và ngưỡng mô là một xuất phát điểm tốt, nhưng quan trọng nhất là bạn phải là chính bạn.
“Hãy tận dụng và nương theo những điểm mạnh của bạn,” Sprietzer nói. “Đừng trở thành ai đó khác.