Thời điểm bầu chọn CEO và những vị trí quản lý cấp cao khác của công ty là một trong những thời điểm mà tính dân chủ trong quản trị nhân sự được thể hiện ở công sở. Bầu cử công sở không chỉ hay ở cái tiếng mà còn mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp vì ba lý do:
- Dân chủ ở nơi làm việc đem những gì vốn chỉ diễn ra một cách bí mật, trong phạm vi của “các tổ chức ngầm” ra ngoài ánh sáng, lan toả những lợi ích của sự đổi mới đến toàn bộ công ty.
- Dân chủ ở nơi làm việc đảm bảo rằng những thay đổi bên trong của các tổ chức sẽ đồng hành cùng thế giới bên ngoài, nơi mà khách hàng, đối tác cũng như các đối thủ cạnh tranh đang tồn tại.
- Các công ty thực hiện dân chủ ở nơi làm việc sẽ được lợi từ các nhân viên của họ. Nhân viên sẽ làm việc có động lực hơn, cống hiến hơn và đoàn kết hơn.
Vấn đề này không phải là một câu chuyện phiếm mà, trong nhiều trường hợp, CEO thực tế được lựa chọn và phải được bình bầu lại mỗi năm bởi các đồng nghiệp. Nếu các nhân viên trong công ty không muốn ai đó lãnh đạo họ, người đó nên tìm một vị trí công việc khác trong công ty hoặc rời khỏi công ty.
Hãy nhìn vào cách mà các tổ chức hưởng lợi khi nhân viên được tự do bầu ra những người lãnh đạo của mình:
Khác biệt cốt yếu giữa “nhà lãnh đạo” và “nhà quản lý”
Từ góc nhìn quản trị nhân sự, nhà quản lý có nhân viên, còn nhà lãnh đạo thu hút những người đi theo mình. Quản lý là việc hoàn thành một công việc cụ thể, trong khi lãnh đạo là câu chuyện tạo ra thay đổi năng suất lao động để đạt đến những thành quả ngoài dự tính ban đầu.
Dân chủ nơi làm việc trao cho các nhà quản lý cơ hội để được nhìn nhận như người lãnh đạo thực thụ bằng sự lựa chọn bởi những người mong muốn họ đảm nhận vị trí dẫn đầu.
Hãy đối diện thực tế: thậm chí nếu những cuộc bầu cử không diễn ra, mỗi nhân viên đều mỗi ngày “bỏ phiếu” trong sâu thẳm trái tim họ cho ai đó. Vì thế, tại sao không cụ thể hóa hoạt động ngầm đó theo hướng có lợi cho công ty.
Đưa “tổ chức ngầm” ra ánh sáng
Ở các công ty thiếu sự minh bạch về quyền dân chủ, nhân viên có các ý tưởng mới thường không hài lòng bởi sự kìm hãm của cấp trên – “trở về tổ đi, con ong thợ ạ!” Việc cản trở đó đã làm những “ong thợ” này dễ bị mất hứng thú với công việc hoặc rời bỏ tổ chức.
Họ phát triển và thực hiện các ý tưởng của mình trong bí mật và bên trong một tổ chức ngầm thiếu lành mạnh. Những ý tưởng đó không mang lại giá trị lớn cho doanh nghiệp bằng so với khi chúng được chia sẻ với toàn bộ tổ chức.
Ngoài ra, thậm chí những tổ chức ngầm sáng tạo nhất cũng không có được nguồn lực để biến ý tưởng thành hiện thực.
Chọn lựa người lãnh đạo để nhất quán chiến lược và thái độ của mọi người trong tổ chức
Những người hay ngờ vực thường nhìn các ý tưởng về quyền dân chủ với một sự ngờ vực nhất định. Thậm chí các cuộc bỏ phiếu vẫn diễn ra mỗi ngày ngay trong đầu các nhân viên, ý tưởng bầu cử lãnh đạo cấp cao là một trong những ý tưởng rất cấp tiến trong môi trường làm việc công sở hiện đại. Nó có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn vô tổ chức.
Bên cạnh đó, chúng ta rất bận rộn. Ai có thời gian để bỏ phiếu và vận động tranh cử trong văn phòng ngày nay? Làm việc không thôi là đã đủ mệt rồi. Những người hay nghi ngờ đã sai. Kinh nghiệm cho thấy các cuộc bầu cử hoàn toàn không lãng phí thời gian. Ngược lại, chúng rất đáng để thực hiện.
Quá trình bầu cử buộc các lãnh đạo, vốn là những người quá bận để chia sẻ những suy nghĩ chiến lược với đội ngũ nhân viên, phải bước chậm lại, gắn mình vào việc cho và nhận một cách chân thành cùng với những người quyết định về thành công tuyệt đối của mình: những người đó là chính nhân viên của họ.
Rất hợp lý để trao quyền cho nhân viên tự bầu ra người lãnh đạo trong, ít nhất là, năm kinh doanh tiếp theo. Dựa trên sự tin tưởng, minh bạch và hợp tác, dân chủ công sở thể hiện ở cấp độ căn bản nhất là tất cả chúng ta đều cùng nhau ngồi chung một chiếc thuyền.