Các nhà quản lý thiếu hiệu quả đã gây ra nhiều thiệt hại trong thế giới kinh doanh ngày nay. Hành động và thái độ của những người này có thể dẫn tới sụt giảm hiệu quả và năng suất, đồng thời làm gia tăng biến động nhân sự và thậm chí dẫn tới nguy cơ bị kiện tụng. Lý do thường gặp nhất khiến nhân viên nghỉ việc là do người sếp tồi, và 20 phần trăm nhân viên cảm thấy cấp trên có ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp của họ.
Nghiên cứu cho thấy rằng một mối quan hệ tích cực với người quản lý ảnh hưởng trực tiếp đến sự hài lòng công việc của nhân viên. Cách nhà quản trị nhân sự quản lý dự án và nhân viên ảnh hưởng đến năng suất của bộ phận cũng như cả công ty. Do vậy, làm chủ kỹ năng quản lý là rất cần thiết. Các giáo viên chuyên ngành ở lynda.com khuyến khích bạn tập trung vào năm điểm sau:
1.Chọn phong cách quản lý phù hợp.
Có rất nhiều phong cách quản lý, tất cả đều là được xây dựng thành từ hỗn hợp ba hành vi mấu chốt: bạn định hướng công việc thông qua hướng dẫn và đào tạo nhiều hay ít; bạn giao cho nhân viên bao nhiều quyền tự quyết; và bạn đầu tư bao nhiêu cho việc xây dựng quan hệ với nhân viên thông qua giao tiếp cởi mở, huấn luyện và gắn kết nhân viên.
Tất cả chúng ta đều có phong cách quản lý riêng, nhưng phong cách đó chỉ hiệu quả trong vài trường hợp cụ thể. Phong cách quản lý sẵn có của bạn có thể hoàn toàn phù hợp với một số nhân viên, và họ sẽ phát triển mạnh mẽ dưới trướng của bạn. Nhưng nếu muốn toàn bộ đội ngũ của mình phát triển như thế, bạn cần phải học hỏi những phong cách quản lý khác. Quan trọng hơn, bạn cần biết khi nào nên đổi phong cách.
2. Trở nên thuyết phục hơn.
Tiến sỹ John Ullmen, giáo sư quản lý và tổ chức tại UCLA, nói rằng “mong muốn thuyết phục trong chúng ta lắm lúc cao hơn khả năng bản thân,” bởi vì chúng ta chỉ dùng một số lượng chiến thuật nhỏ, những chiến thuật chúng ta cảm thấy thuyết phục. Để trở nên thuyết phục hơn, hãy mở rộng vốn kỹ năng của mình.
Ullmen tin rằng có mười hai chiến thuật khả dụng với nhiều cách kết hợp khác nhau. Chúng có thể bao gồm những chiến thuật mang tính thông tin, ví dụ phân tích lý lẽ (rational analysis) và trích dẫn nguồn đáng tin cậy; mang tính chiến lược, nhất quán với những mục tiêu ở các cấp cao hơn hay những giá trị cốt lõi; hay mang tính cá nhân như lãnh đạo bằng cách làm gương. Hãy nắm vững mười hai chiến thuật này, và chọn ra hỗn hợp thuyết phục nhất với các đối tượng bạn đang nhắm đến.
3. Giao trách nhiệm rõ ràng.
Một phần công việc nhà quản trị nhân sự là quản lý người chịu trách nhiệm hoàn thành công việc. Tuy vậy, nhân viên rất thường phạm sai lầm trong hoạt động ưu tiên hóa những việc cần làm. Scott Blanchard, đồng tác giả của quyển Leverage Your Best, Ditch the Rest, đã thực hiện một nghiên cứu trong đó các nhà quản lý được yêu cầu liệt kê ra những ưu tiên công việc cho từng nhân viên. Sau đó, các nhân viên này được yêu cầu liệt kê danh sách riêng của mình. Danh sách của nhà quản lý và nhân viên trung bình chỉ trùng khớp 21%.
Hãy truyền đạt ý muốn của bạn rõ ràng cho nhân viên và thường xuyên kiểm tra để chắc chắn rằng cả hai bên đều nhất trí về đầu việc. Bạn chỉ nên bắt nhân viên chịu trách nhiệm cho những vấn đề thật sự quan trọng và hãy luôn là hình mẫu cho nhân viên trong việc nhận trách nhiệm.
4. Hãy tương tác với nhân viên.
Tương tác với nhân viên giúp tăng năng suất và duy trì hiệu quả công việc. Theo giáo sư MBA Todd Dewett, những nhân viên tương tác nhiều với cấp trên thường xuyên cảm thấy gắn bó với công việc, và đồng nhất bản thân với tổ chức. Tuy vậy, nghiên cứu này chỉ ra rằng 70% công nhân viên tại Mỹ không thường xuyên tương tác với người quản lý.
Các quản lý cũng thường sai lầm khi đánh đồng tương tác với động lực. Họ cho rằng tất cả nhân viên đều có cùng mức độ nhu cầu tương tác và do đó dùng chiến lược chung cho tất cả nhân viên. Những cố gắng của nhà quản lý sẽ hiệu quả hơn khi điều chỉnh riêng theo nhu cầu của từng cá nhân.
5. Hãy giải quyết xung đột giữa các bộ phận khác nhau.
Hoạt động tương tác giữa các bộ phận chức năng và đội nhóm khác nhau là điều hiển nhiên trong kinh doanh hiện đại. Đến một lúc nào đó, mọi quản lý đều sẽ đối mặt với xung đột giữa các bộ phận. Simon T. Bailey, tác giả quyển sách về kinh doanh hàng đầu Release Your Brilliance, tin rằng xung đột xảy ra khi có tranh cãi về nguồn lực kinh tế, mối quan hệ không chặt chẽ và giao tiếp rời rạc giữa các bộ phận.
Bailey cho rằng việc đầu tiên cần làm là xây dựng quan hệ và sợi dậy liên kết với những đội nhóm khác. Hãy tìm hiểu thêm về những mục tiêu và thách thức họ đang phải đối mặt. Tiếp theo đó, hãy sẵn sàng cho đi để được nhận lại. Tập trung vào việc giúp đỡ họ đạt được thành công. Sau đó, hãy can đảm yêu cầu sự giúp đỡ của những người này. Hãy làm việc cùng nhau để tập trung vào những điều tốt nhất cho công ty và đặt tính chính trực của thương hiệu lên trên mục tiêu riêng của bộ phận hay cá nhân.
Bằng cách sử dụng những chiến thuật đầy hiệu quả này, bạn sẽ trở thành một nhà quản lý và quản trị nhân sự giỏi hơn, giúp gia tăng thành công cho công ty bạn và tăng tốc sự nghiệp của bạn.